Các thực hành nông nghiệp tốt và chứng nhận an toàn thực phẩm là các yêu cầu đầu tiên mà các nhà sản xuất nông sản muốn xuất khẩu hoặc bán hàng tại các chuỗi bán lẻ quốc tế, các chuyên gia nhận định.
Yêu cầu đầu tiên khi xuất khẩu nông sản
Các thực hành nông nghiệp tốt và chứng nhận an toàn thực phẩm là các yêu cầu đầu tiên mà các nhà sản xuất nông sản muốn xuất khẩu hoặc bán hàng tại các chuỗi bán lẻ quốc tế, các chuyên gia nhận định. Vừa qua, hội thảo “Khắc phục các rào cản kỹ thuật cho nông sản và thực phẩm xuất khẩu thực phẩm sang EU” đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước có hàng hóa xuất khẩu bị từ chối tại các thị trường châu Âu chủ yếu do các vấn đề an toàn thực phẩm. Năm 2017, hệ thống cảnh báo nhanh của EU đối với thực phẩm và TACN (RASFF) đã công bố 77 cảnh báo về xuất khẩu hàng hóa Việt Nam không đáp ứng đủ tiêu chuẩn nhập khẩu của khối này và 23 lô hàng bị từ chối tại điểm thông quan. Trong nửa đầu năm 2018, các con số này lần lượt là 36 và 11.
Marieke Van Der Pijl, tư vấn pháp lý của Ủy ban Kinh doanh Thực phẩm, Nông sản và Thủy sản của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, cho rằng các nguyên nhân chính dẫn đến hàng hóa Việt Nam bị từ chối là do phát hiện thấy kháng sinh cấm, thuốc BVTV và các hóa chất có hại khác, chuỗi lạnh không liền mạch trong quá trình vận chuyển cũng làm tăng khả năng phát triển vi khuẩn. Các nguyên nhân khác bao gồm thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc, các kết quả kiểm tra nông sản và thực phẩ không đầy đủ và không đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh và dịch tễ. Bà cho hay khi một lô hàng xuất khẩu bị từ chối, không chỉ nhà xuất khẩu của lô hàng đó bị ảnh hưởng mà còn có tác động lớn hơn là gây ảnh hưởng tiêu cực cho các sản phẩm Việt Nam, đe dọa khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Do đó, các nhà sản xuất Việt Nam cần luôn tự nhắc nhở rằng an toàn thực phẩm là then chốt để thâm nhập vào các thị trường như EU và duy trì sự trung thành của khách hàng bởi “một khi niềm tin bị tan vỡ, rất khó để có thể lấy lại”.
Chứng nhận an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Huy, một nhà quản lý thực phẩm tại Việt Nam cho hãng chứng nhận chất lượng toàn cầu Bureau Veritas, cho biết trước năm 2015, các sản phẩm thủy sản chiếm phần lớn trong các cảnh báo an toàn thực phẩm từ RASFF về các lô hàng từ Việt Nam. Nhưng hiện số lượng cảnh báo ngày càng tăng đối với nông sản do xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây. Ông cho biết để tiếp cận được thị trường EU và đảm bảo chất lượng đồng nhất của hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này, các nhà sản xuất cần áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU. Ông hco hay một trong những chứng nhận phổ biến nhất tại châu Âu là BRC Global Standard for Food Safety được các chuyên gia ngành thực phẩm phát triển.
Hệ thống này cung cấp một khung để quản lý an toàn sản phẩm, tính khép kín, tính pháp lý và chất lượng và các quản lý vận hành theo các tiêu chí trong sản xuất nguyên liệu thực phẩm và thực phẩm, chế biến và đóng gói. Các tiêu chuẩn khác như BAP (Best Aquaculture Practices) và đặc biệt là Global GAP (Good Agricultural Practices) cũng được ưa chuộng tại các thị trường châu Âu và thực tế, các chứng nhận này đang ngày càng trở nên phổ biến đối với các nhà sản xuất nông sản và thủy sản Việt Nam. “Nếu các nhà sản xuất ứng dụng Global GAP, họ sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu tốt hơn bởi họ đứng cùng phía với các nhà nhập khẩu châu Âu”.
Ông Huy cho hay một trong những đặc điểm chung của các tiêu chuẩn này là khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm do tại các thị trường khó tính như châu Âu, người tiêu dùng có ý thức cao về sản phẩm họ tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm. “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải đi từ nông dân đến trung gian, đến các nhà chế biến và cho tới khâu đóng gói, dán nhãn mác”.
Bà Pijl cho biết các quy định nguồn gốc xuất xứ cũng là một tiêu chí nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam đang tìm cách hưởng lợi thuế khi xuất khẩu sang các thị trường châu Âu khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. “Tin tốt là nhiều sản phẩm Việt Nam đã có chỉ dẫn địa lý như chè Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột và xoài Chu, xoài Hòa Lộc. Điều này giúp các sản phẩm xuất khẩu dễ dàng hơn”.
Cũng cần tính đến chất lượng trên thị trường nội địa
Theo các chuyên gia tại hội thảo, EVFTA có thể sẽ được thông qua vào cuối năm 2018, cũng sẽ mang đến áp lực cạnh tranh với các công ty châu Âu trên thị trường nội địa Việt Nam.
Bà Nguyễn Kim Thanh, một chuyên gia từ Hiệp hội kinh doanh hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, cho rằng ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với cạnh tranh khốc liệt khi EVFTA và các thỏa thuận thương mại tự do khác có hiệu lực. Bà cho rằng nếu các nhà sản xuất nội địa không thể bắt kịp cuộc chơi bằng cách áp dụng các hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, họ có thể dễ dàng mất thị trường vào tay hàng hóa nhập khẩu.
Theo VNS